Logo Thư viện Online - Trường Cao Đẳng Du Lịch Sài Gòn TRƯỜNG CAO ĐẲNG
DU LỊCH SÀI GÒN

Giáo trình Kỹ thuật chế biến món ăn

Thể loại: Kiến thức chuyên ngành KTCBMA
ISBN: DLSG000017
Tác giả: Phan Anh Dũng
Nhà xuất bản: NXB GDVN
Nhà phát hành: BỘ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Ăn uống là một nhu cầu thiết yếu của con người. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, của cải vật chất xã hội ngày càng dồi dào, phong phú, nhu cầu ăn uống của con người ngày càng cao. Đồng thời với sự phát triển của ngành Du lịch, nhu cầu ăn uống trong xã hội hiện đại đòi hỏi việc kinh doanh chế biến các sản phẩm ăn uống trở thành một ngành kinh doanh phát triển mạnh, có doanh số lớn, lợi nhuận cao và sự cạnh tranh này ngày càng gay gắt hơn. Sự tồn tại và phát triển của các cơ sở kinh doanh, chế biến sản phẩm ăn uống phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phân tích thị trường, kiến thức và kỹ năng quản trị của các nhà quản trị tại các cơ sở này. Xuất phát từ thực tế đó, Ban Dự án VIE/031 đã giao cho Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế tập hợp, biên soạn các kiến thức, kỹ năng quản trị cho các mô hình kinh doanh, chế biến các sản phẩm ăn uống nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao trong tình hình hiện nay của ngành Du lịch Việt Nam.
Đối tượng nghiên cứu của môn học Quản trị chế biến món ăn: là toàn bộ các yếu tố về tổ chức, công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, xã hội Việt Nam... của quá trình sản xuất và kinh doanh các sản phẩm ăn uống tại Việt Nam. Cụ thể:
– Các yếu tố của sản xuất, chế biến món ăn bao gồm: con người, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguyên liệu thực phẩm...
– Xây dựng, bố trí, sắp xếp quy trình sản xuất, chế biến.
– Lập các kế hoạch tác nghiệp cung ứng, sản xuất, chế biến món ăn....
– Quản lý chất lượng từ khâu thu mua, đặt hàng đến quá trình chế biến món ăn.
– Quản trị chi phí và giá thành sản phẩm ăn uống chế biến.
– Tổ chức và phân công nhân sự trong bộ phận chế biến…
Mục đích của môn học:
– Giới thiệu, cung cấp các hiểu biết, kiến thức cơ bản về quản trị trong hoạt động sản xuất, chế biến món ăn.
– Cung cấp một số kỹ năng quan trọng cho các quản trị viên và một số tình huống điển hình thường phát sinh trong công tác quản trị bộ phận chế biến món ăn.
Yêu cầu của môn học:
– Người học cần phân tích được các nguyên lý cơ bản của hoạt động kinh doanh mặt hàng ăn uống, xác định được phạm vi công việc của bộ phận chế biến món ăn và các mối quan hệ nghiệp vụ với các bộ phận khác.
– Người học cần xác định được nguyên lý khai thác, vận hành, bảo dưỡng nhà xưởng, các thiết bị, dụng cụ...
– Người học cần phải xác định được các nội dung, nhiệm vụ của quản trị viên:
+ Áp dụng các nguyên tắc, căn cứ, yêu cầu của các nghiệp vụ tổ chức vào việc sắp xếp nơi làm việc, lập và triển khai kế hoạch thực hiện quá trình chế biến.
+ Tổ chức, quản lý được nguồn nhân lực, quản lý về chất lượng và hệ thống kiểm soát chất lượng tiêu chuẩn. Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (Hazard Analysis and Critical Control Point – HACCP).
+ Xây dựng được thực đơn và quản trị thực đơn.
+ Tính toán được chi phí, lợi nhuận trong kinh doanh ăn uống.
Ý nghĩa của môn học:
– Việc nghiên cứu môn "Quản trị quá trình chế biến" có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sinh viên hệ cao đẳng và giáo trình này cũng là tài liệu tốt cho các nhà quản lý nhà hàng, khách sạn tìm hiểu, tham khảo những kiến thức về quản trị chuyên ngành (hẹp) Quản trị chế biến món ăn. Giáo trình này đã vận dụng các kiến thức, nguyên lý chung của quản trị học, các kiến thức của quản trị sản xuất, quản trị dịch vụ kết hợp sự nghiên cứu, đúc kết thực tiễn trong quá trình quản trị bộ phận chế biến món ăn tại các nhà hàng, khách sạn và các cơ sở kinh doanh các sản phẩm ăn uống khác. Do vậy, giáo trình này vừa có tính cập nhật thực tiễn đầy biến động hiện nay lại vừa có tính khoa học.
– Đối với sinh viên chuyên ngành Chế biến món ăn trình độ Cao đẳng: Không những cần những kiến thức, kỹ năng của người làm công tác chế biến như một người đầu bếp thực thụ mà còn được cung cấp các kiến thức cơ bản về quản trị chuyên ngành – một nghiệp vụ cơ bản nhất của người làm công tác quản lý, điều hành bộ phận chế biến món ăn – Bếp trưởng.
– Đối với các nhà quản lý và các đối tượng quan tâm khác: Đây là cuốn giáo trình quản trị chuyên ngành với những đặc thù riêng nên sẽ cung cấp các vấn đề về lý luận, nguyên lý, nguyên tắc... để bổ sung, củng cố thêm kho kiến thức về quản trị chung sẵn có trong quá trình nghiên cứu, học tập công tác... tài liệu này hỗ trợ tích cực cho các hoạt động quản lý, điều hành.
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định và phát triển nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò rất quan trọng. Để đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, ngành Du lịch đã huy động nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có các dự án do Chính phủ Đại công quốc Luxembourg tài trợ không hoàn lại.
Dự án "Tăng cường năng lực nguồn nhân lực ngành Du lịch và Khách sạn Việt Nam"; viết tắt là VIE/031 là dự án thứ tư mà Luxembourg tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Thời gian thực hiện Dự án là 5 năm (từ năm 2010), tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Du lịch và Dịch vụ Hải Phòng, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Nẵng, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Lạt, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Nha Trang, Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu và Trường Cao đẳng nghề Du lịch Cần Thơ.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Cơ quan Hợp tác phát triển Luxembourg đã ký Thoả thuận số VIE031 13606 ngày 05/11/2013 về việc giao 9 trường thụ hưởng của Dự án VIE/031 biên soạn 15 giáo trình, gồm: Tổng quan du lịch; Nghiệp vụ lễ tân; Nghiệp vụ lữ hành; Kế toán chuyên ngành Du lịch; Quản trị kinh doanh lữ hành; Quản trị kinh doanh nhà hàng; Quản trị tiền sảnh khách sạn; Tiếng Anh chuyên ngành Quản trị khách sạn; Quản trị khách sạn; Thương phẩm hàng thực phẩm; Tiếng Anh chuyên ngành Nhà hàng; Quản trị chế biến món ăn; Nghiệp vụ phục vụ buồng khách sạn; Quản lý bar và thức uống; Tiếng Anh chuyên ngành Bếp.
Trong năm 2014, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Dự án VIE/031 đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan tổ chức biên soạn 15 giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy. Các giáo trình này đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành lập Hội đồng thẩm định và nghiệm thu đúng theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hy vọng 15 giáo trình này sẽ hữu ích đối với các thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên trong quá trình dạy và học; là tài liệu tham khảo cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý, nghiên cứu du lịch và những người quan tâm.
Nhân dịp xuất bản 15 giáo trình này, Ban Quản lý Dự án VIE/031 xin chân thành cảm ơn Chính phủ Đại công quốc Luxembourg, Cơ quan Hợp tác phát triển Luxembourg, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Chỉ đạo Dự án, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các đồng nghiệp và những người trực tiếp điều hành dự án.
Xin chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dạy nghề, các cơ sở đào tạo và dạy nghề du lịch, các chuyên gia, các giảng viên, giáo viên đã đóng góp tích cực vào sự thành công của Dự án VIE/031. Sự hỗ trợ quý báu đó chắc chắn sẽ góp phần đưa Du lịch Việt Nam phát huy vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, tương xứng với tiềm năng và nguồn lực phát triển du lịch của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng và toàn diện.
Dự án "Tăng cường năng lực nguồn nhân lực ngành Du lịch và Khách sạn Việt Nam", VIE/031 rất mong sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân quan tâm để bộ giáo trình ngày càng được hoàn thiện.
Xin trân trọng cảm ơn!
                                                   Dự án VIE/031
 

 
Sản phẩm cùng loại
Gọi ngay Chat với chúng tôi qua Zalo